5 Bí Mật Về Nhân Sự Gen Z Mà Nhà Quản Lý Cần Biết

Lưu Phúc Trường | Content Writer tại Base.vn

Cùng Base.vn tìm hiểu về thế hệ Z (Gen Z), những bạn trẻ sinh từ năm 1997 trở lại đây. Những bạn trẻ này đã và đang tốn không ít giấy mực và nghiên cứu khi dần trở thành nhóm người định hình xu hướng về giải trí, thời trang và thị trường lao động và sản phẩm tiêu dùng hàng ngày. Theo báo cáo của World Economic Forum, Gen Z hiện đang chiếm 30% dân số trên toàn cầu và dự đoán đến năm 2025, thế hệ này sẽ chiếm đến 27% tổng số lực lượng lao động.

Nhân sự Gen Z được xem là một thế hệ vô cùng kỳ lạ với nhu cầu lao động khác biệt hoàn toàn so với các thế hệ đi trước. Được sinh ra khi kỷ nguyên công nghệ thông tin bắt đầu, Gen Z là nhóm người trẻ dễ dàng ứng dụng công nghệ để tìm kiếm và đánh giá cơ hội việc làm phù hợp nhất cho chính mình. Dù xét tổng thể, Gen Z có thể chưa tạo ra lượng của cải lớn như thế hệ ông bà và cha mẹ của họ đã làm, thế nhưng Gen Z lại có thể tìm được những công việc với mức lương, phúc lợi và yêu cầu tốt nhất cho chính mình. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi dịch Covid-19 khiến nhân sự thế hệ Z cần môi trường làm việc linh hoạt hơn (ví dụ được lựa chọn địa điểm làm việc), mức lương và sự bảo đảm an toàn với công việc cũng được yêu cầu cao hơn. Theo một khảo sát của Bankrate vào tháng 8/2021, 77% nhân viên là Gen Z nói rằng họ đang có dự định rời bỏ công việc hiện tại vì những lý do trên. Với Gen Z, “nhảy việc” đã trở nên rất đỗi bình thường để tìm kiếm cơ hội việc làm mới dù họ chỉ cảm thấy một chút không thoải mái.

Là một nhà quản lý, việc tuyển – dạy – dùng – và giữ chân người tài đã trở thành sứ mệnh của họ qua từng thế hệ. Thế nhưng với nhân sự Gen Z, các mô hình quản trị nhân sự hiện tại cần có sự cải tiến phù hợp với ưu thế, khác biệt và kỳ vọng của các bạn trẻ thế hệ Z. Liệu các nhà quản lý có đang đau đầu với thế hệ “lắm tài nhiều tật” này không?

Gen Z – Một thế hệ với nhiều tài năng và cá tính đang dần định hình thị trường lao động trong kỷ nguyên mới

1. Một thế hệ gắn liền với công nghệ và kỷ nguyên VUCA

Gen Z là đối tượng mà không các cấp quản lý, mà những nhãn hàng cũng bỏ ra nhiều công sức để tìm hiểu và nghiên cứu về họ. Sự khác biệt của Gen Z so với các thế hệ đi trước đến từ cách các bạn trẻ này tương tác, đánh giá và phản ứng với các tác động từ bên ngoài. Do đó, hiểu được insight của nhân sự Gen Z được xem là chìa khoá để mở cánh cửa bước vào thế giới quan của họ. 

Thế hệ xem smartphone là nguồn sống. Sử dụng điện thoại thông minh không còn là thói quen, đây còn là giao thức chính mà Gen Z kết nối với thế giới và các mối quan hệ xung quanh họ. Gen Z còn có khả năng tìm hiểu và thành thạo sử dụng các ứng dụng di động vào làm việc rất cao. Khác với các thế hệ trước khi phần lớn phụ thuộc vào các ứng dụng làm việc trên máy tính.

Mạng xã hội là nguồn thông tin tốt nhất với Gen Z. Khi được hỏi về nguồn thông tin và tin tức đáng tin cậy nhất. Rất bất ngờ khi Facebook giờ đây đã không còn là nguồn thông tin “uy tín nhất” của Gen Z. Thay vào đó, theo khảo sát của YPulse vào tháng 7/2020, Instagram, YouTube và đặc biệt là TikTok đã vươn lên trở thành kênh thông tin được ưa chuộng nhất của thế hệ này. Trong những cách tương tác và giao tiếp trên mạng xã hội, 50% GenZ sẽ dùng các ứng dụng tin nhắn, gọi điện thoại chỉ chiếm khoảng 7%. Do đó, quản lý nhân sự Gen Z không thể thiếu sự quan tâm về hình ảnh của họ trên mạng xã hội, vì đây là nơi các bạn sẽ thể hiện quan điểm của mình nhiều nhất.

Mạng xã hội thông tin ưa thích của Gen Z và Millennials. Nguồn: YPulse (2020)

Đôi khi, Gen Z cũng không tin tưởng vào thông tin trên Internet. Có lẽ đây là điều khá bất ngờ so với giả định và suy nghĩ của số đông. Gen Z là thế hệ sử dụng mạng xã hội và chắt lọc thông tin trên Internet rất thông minh và có tính thẩm định. Thông tin và sự đa dạng của thông tin trên các nền tảng cực kỳ quan trọng đối với Gen Z. Theo Silver Swan Recruitment, thời gian tập trung của Gen Z trung bình là 8 giây, so với 12 giây ở thế hệ Millennials. Vậy nên, hầu hết thông tin của bất kỳ loại thông tin nào hướng đến Gen Z cũng nên được thể hiện đa dạng trên nền tảng số.

Kỷ nguyên VUCA cũng có mang lại vô số tác động đến thế hệ Z. Khi những năm gần đây thế giới chứng kiến nhiều sự kiện và thay đổi mang tính bước ngoặt: Covid-19, mô hình làm việc mới, xu hướng công nghệ tiên tiến, thay đổi cách tương tác hậu giãn cách xã hội… Những điều này vô hình trung tạo ra kỷ nguyên VUCA với 4 đặc tính: Biến động (Volatility), Bất định (Uncertainty), Phức tạp (Complexity), và Mơ hồ (Ambiguity). Với lợi thế thích nghi nhanh với công nghệ và mạng xã hội, Gen Z tỏ ra là một thế hệ theo đuổi các xu hướng mới nhất kể cả trong công việc. Có thể nói Gen Z sẽ trở thành thế hệ định hình xu hướng làm việc linh hoạt trong tương lai.

Để quản trị nhân sự Gen Z trong kỷ nguyên VUCA với nhiều biến động, sự hỗ trợ và dấu ấn của công nghệ là rất rõ ràng. 

2. Gen Z cần sự cá nhân hoá trong thông tin

Gen Z là thế hệ được sinh ra và lớn lên trong khi thế giới bước vào kỷ nguyên công nghệ và tiếp thị cá nhân hoá. Ảnh hưởng của mạng xã hội và các ứng dụng smartphone mà Gen Z sử dụng và có thể là một nguyên nhân dẫn đến sự ưa thích tính cá nhân hoá của thế hệ này. Một số mạng xã hội như TikTok và Facebook liên tục đề xuất những nội dung cá nhân hoá đến người sử dụng, các siêu ứng dụng như MoMo, Grab, Baemin liên tục đề xuất các trải nghiệm mua hàng mới. Công nghệ cộng với tiếp thị cá nhân hoá có tác động mạnh mẽ đến Gen Z từ những thói quen sinh hoạt hàng ngày. Từ đó, Gen Z sẽ rất khó làm quen với những trải nghiệm quá chung chung hoặc mang tính tập thể quá nhiều.

Với sự độc lập nhiều hơn trong suy nghĩ, trải nghiệm làm việc độc lập để Gen Z cảm thấy họ được tham gia quyết định công việc của mình. Chắc chắn rằng, khi nhân sự Gen Z cảm thấy được “đây chính là vị trí, công việc dành riêng cho mình” thay vì “mình phải đi theo tổ chức” sẽ khiến họ có thêm động lực và giữ chân họ ở doanh nghiệp lâu dài. Đây chính là yếu tố nền tảng mà các mạng xã hội thành công như Facebook, TikTok, YouTube đã làm được.

Gen Z lớn lên cùng công nghệ và trải nghiệm cá nhân hoá, vì thế việc tin tưởng và “trao quyền” cho nhân sự Gen Z là cách giữ chân họ lâu dài trong tổ chức

3. Gen Z cực kỳ quan tâm đến giá trị xã hội

Với hơn 30% dân số thế giới, Gen Z đang trở thành nhóm thế hệ phát triển nhanh và mạnh mẽ. Có thể xem đây vừa là cơ hội mà cũng là thách thức khi số lượng bạn trẻ Gen Z gia nhập vào thị trường lao động ngày càng lớn. Với Gen Z, nếu đã chọn gắn kết với bất kỳ thương hiệu nào (kể cả tiêu dùng hoặc làm việc), cac bạn sẽ có nhiều kỳ vọng nhất định với thương hiệu đó. Họ muốn các thương hiệu mình gắn kết sẽ có đóng góp ý nghĩa ít nhất là cho cộng đồng người dùng của thương hiệu, xa hơn nữa là cho môi trường và xã hội.

Làm việc và gắn kết với một doanh nghiệp với Gen Z là một trải nghiệm xã hội thay vì chỉ là một cách kiếm thêm thu nhập. Doanh nghiệp càng có văn hoá cởi mở, áp dụng công nghệ thay thế các cách làm việc thủ công, hình thức làm việc linh động (hybrid working) sẽ dễ dàng thu hút những ứng viên Gen Z. Thể hiện sứ mệnh thương hiệu tốt, đặc biệt là trách nhiệm với cộng đồng, xã hội cũng là một khía cạnh mà Gen Z đặc biệt quan tâm.

Với Gen Z, công việc là một trải nghiệm xã hội thay vì chỉ là kiếm thêm thu nhập, họ còn yêu chuộng văn hoá làm việc cởi mở và linh động (hybrid working)

>> Tham khảo bài viết: Hybrid Working: Doanh Nghiệp Nên Theo Xu Hướng Làm Việc Kết Hợp?

4. Gen Z có nhận thức cao về ngoại hình và tài chính

Gen Z có sự chú trọng và có thể ám ảnh về hình ảnh cá nhân của họ. Các bạn trẻ này ý thức mạnh mẽ về tầm quan trọng của thương hiệu cá nhân và có khả năng định hình xu hướng các ngành hàng thời trang và tiêu dùng. Không mấy lạ lẫm khi một số lượng lớn KOL và Influencer ở mạng xã hội là các bạn trẻ Gen Z và thu hút một lượng lớn các bạn đồng trang lứa. Do ưu tiên sự độc lập và trải nghiệm cá nhân hoá, Gen Z có sự yêu cầu nhất định về sự độc lập trong công việc. Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp, 44% Gen Z nói rằng họ sẵn sàng gửi mẫu thiết kế sản phẩm cho thương hiệu mình yêu thích nếu có cơ hội.

Gen Z còn là những người trẻ có ý thức mạnh về việc độc lập tài chính. Lớn lên trong một thế giới mở và thị trường đa dạng công ăn việc làm, Gen Z cũng thích nghi nhanh với tác động của dịch Covid-19, họ có xu hướng mưu cầu sự độc lập tài chính là thước đo của thành đạt. Chứng kiến sự phụ thuộc vào tài chính từ gia định có thể vô hình trung trở thành một áp lực thúc đẩy Gen Z quan tâm đến lối sống thực tế. Không lấy làm lạ khi các bạn trẻ này tận dụng đa dạng các hình thức làm việc, tiết kiệm và đầu tư. Tư duy tài chính là một trong những đặc điểm thế hệ nổi bật của Gen Z.

5. Gen Z cởi mở và thực tế, chủ động trong làm việc

Một đặc điểm chung của Gen Z là sự độc lập và thực tế, điều này thể hiện rõ nhất qua cách họ sẵn sàng đặt câu hỏi và thảo luận trực tiếp cùng cấp trên. Phát triển trong kỷ nguyên VUCA đã phần nào mang lại cho Gen Z cảm giác họ phải nỗ lực để ổn định trong một thế giới nhiều bất ổn. Bản thân Gen Z đã nhìn thấy các nguồn tài nguyên và thị trường mới đang dần trở nên khan hiếm. 

Sống trong một thế giới với nhiều tiến bộ của khoa học công nghệ, Gen Z sẽ hứng thú khi môi trường làm việc có sự giao tiếp và quản lý hiệu suất được tự động hoá. Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp, 76% Gen Z cho biết họ đang không ngừng nỗ lực để cải thiện bản thân, và con số này cao hơn rất nhiều so với các thế hệ khác. Việc Gen Z được công nhận những đóng góp của mình có thể hiểu là một insight khá quan trọng liên quan đến trải nghiệm cá nhân hoá của các bạn trẻ này.

Quản trị nhân sự đặc biệt là nhân sự Gen Z đòi hỏi nhà quản lý phải xem xét công nghệ như một yếu tố chủ lực. Việc đầu tư đúng về mặt công nghệ sẽ tạo điều kiện cho không chỉ nhà quản lý mà còn các nhân sự Gen Z sắp xếp công việc chủ động và làm việc gắn kết hơn. Đối với nhà quản lý, việc công nhận và “thưởng phạt” đúng chỗ trở nên dễ dàng hơn với các báo cáo và đo lường thường xuyên.

Nhắc đến giải pháp công nghệ, việc đầu tư vào giải pháp quản lý hiệu suất nhân sự và đội ngũ trên một nền tảng duy nhất là một lựa chọn phù hợp đối với quản trị nhân sự Gen Z trong kỷ nguyên số. Một trong số các ứng dụng công nghệ đó nổi bật là Bộ giải pháp quản trị doanh nghiệp của Base Work+. Với logic sản phẩm gắn liền với việc giao mục tiêu, theo dõi quy trình và báo cáo kết quả trực quan theo KPI/OKR, từ đó nhà quản lý có thể yên tâm đảm bảo rằng nhân sự của mình có đang theo đúng tiến độ công việc.

Đăng ký nhận tư vấn trực tiếp từ chuyên gia chuyển đổi số của Base.vn về các phần mềm quản trị nhân sự – quản lý quy trình – quản trị thông tin – giao tiếp nội bộ. Bạn có thể đăng ký tại đây.

Tài liệu tham khảo

  1. Mark C. Perna (2020). Recruiting Top Gen-Z Talent In A Post-Pandemic World. Forbes. https://www.forbes.com/sites/markcperna/2020/10/14/recruiting-top-gen-z-talent-in-a-post-pandemic-world/
  2. Avery Koop (2021). Chart: How Gen Z employment levels compare in OECD countries. World Economic Forum. https://www.weforum.org/agenda/2021/03/gen-z-unemployment-chart-global-comparisons/
  3. Sarah Foster (2021). Survey: 55% of Americans expect to search for a new job over the next 12 months. Bankrate. https://www.bankrate.com/personal-finance/job-seekers-survey-august-2021/
  4. YPulse (2020). Gen Z & Millennials Have Very Different News Sources. https://www.ypulse.com/article/2020/07/20/gen-z-millennials-have-very-different-news-sources/
  5. Silver Swan Recruitment (2018). Everything You Need to Know About Recruiting and Retaining Gen Z Workers in 2019. https://www.silverswanrecruitment.com/2018/12/04/recruiting-and-retaining-gen-z-workers-in-2019/
  6. Diễn Đàn Doanh Nghiệp (2020). Khám phá Insight Gen Z – Đối tượng khách hàng chủ đạo trong tương lai. https://diendandoanhnghiep.vn/kham-pha-insight-gen-z-doi-tuong-khach-hang-chu-dao-trong-tuong-lai-174715.html
  7. Daan van Rossum (2022). Vietnam’s Gen Z In The Workplace – Personalization & Choice. Vietcetera International Edition. https://vietcetera.com/en/vietnams-gen-z-in-the-workplace-personalization-choice
  8. Glints (2022). Thế hệ Gen Z Là Gì Và Những Điều “Lồi Lõm” Trong Mắt Các Gen Khác. https://glints.com/vn/blog/gen-z-va-nhung-tinh-cach-loi-lom
Chia sẻ
Leave a Comment